Sáng
ngày 23/10/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã phối hợp với Bộ phận
Thống kê ASEAN (ASEANStats) và Dự án ARISEplus tổ chức Lễ
công bố Báo cáo đầu kỳ và Cơ sở dữ liệu trực tuyến các chỉ tiêu phát triển bền
vững (SDG) của ASEAN.
Tham
dự buổi lễ trực tuyến, tại điểm cầu Việt Nam có Tổng cục trưởng TCTK - TS Nguyễn
Thị Hương, các Phó Tổng cục trưởng; Lãnh đạo và Thống kê viên chính của các đơn
vị thuộc Cơ quan Tổng cục; đại diện một số Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và Cơ
quan thông tấn báo chí trên địa bàn Hà Nội. Tại các điểm cầu quốc tế có Tiến sĩ
Julia Tijaja, Vụ trưởng Vụ Giám sát hội nhập ASEAN, Ban Thư ký ASEAN; ông Igor
Driesmans, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại ASEAN; dự án ARISEplus; đại diện Cơ
quan Thống kê các quốc gia thành viên, Nhóm Công tác về các chỉ tiêu phát triển
bền vững (WGSDGI), Bộ phận Thống kê và một số Ban, ngành của ASEAN; các tổ chức
quốc tế UNESCAP, FAO, ILO, UNFPA, ADB, Eurostats, IMF. Điều hành buổi lễ là ông
Anang Laksono, chuyên viên cao cấp của Bộ phận Thống kê ASEAN.
Phát
biểu khai mạc buổi lễ, Bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch
ASEAN về Thống kê năm 2020, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập hệ thống
thông tin thống kê về phát triển bền vững của ASEAN” và nhận được sự đồng thuận,
tích cực tham gia thực hiện của các quốc gia thành viên. Sáng kiến nhằm góp phần
hình thành một hệ thống thông tin thống kê về phát triển bền vững, đồng bộ và
thống nhất; bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám sát và đánh giá phát
triển bền vững của ASEAN; đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đối tác, nâng cao năng
lực các quốc gia thành viên trong việc thu thập, biên soạn các chỉ tiêu SDG
cũng như tăng cường vai trò điều phối của ASEANstats. Với sự chủ động của
ASEANstats, sự nỗ lực của các quốc gia thành viên và hỗ trợ tích cực của dự án
ARISEplus, Báo cáo đầu kỳ và Cổng cơ sở dữ liệu trực tuyến các chỉ tiêu SDG của
ASEAN đã được xây dựng và hoàn thiện để cụ thể hóa Sáng kiến nêu trên.
Tiến
sĩ Julia Tijaja phát biểu trong tầm nhìn đến năm 2025 của Cộng đồng ASEAN đã bổ
sung Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc với
những nỗ lực nâng cao mức sống của người dân trong cộng đồng ASEAN. Điều này được
thể hiện trong Kế hoạch chi tiết đến năm 2025 của Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng
văn hóa xã hội ASEAN, là cam kết nhằm đạt được sự phát triển bền vững về kinh tế
- xã hội của ASEAN. Ông Igor Driesmans đã đánh giá cao Báo cáo đầu kỳ, nhấn mạnh
các chỉ tiêu SDG đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát
triển bền vững, phát triển xanh của các quốc gia thành viên, là công cụ quan trọng
đảm bảo tính minh bạch của các chỉ tiêu thống kê.
Sau phần khai mạc, các đại biểu đã nghe ông Tang Hsiu
Chin, Chủ tịch nhóm WGSDGI của ASEAN giới thiệu Báo cáo đầu kỳ và ông Sueka
Putra, ASEANstats giới thiệu cơ sở dữ liệu trực tuyến các chỉ tiêu SDG của
ASEAN. Báo cáo đầu kỳ với 67 chỉ tiêu và cổng cơ sở dữ liệu trực tuyến với 134
chỉ tiêu là một trong những cam kết của Hệ thống thống kê cộng đồng ASEAN
(ACSS) nhằm cung cấp số liệu thống kê phù hợp, kịp thời, có tính so sánh và phục
vụ công tác hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng của các quốc gia thành
viên.
Để
cải thiện tính sẵn có và chất lượng dữ liệu các chỉ tiêu SDG, ACSS cam kết tiếp
tục nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác trong khu vực cũng như giữa quốc
gia ASEAN thông qua việc triển khai các hoạt động phù hợp với chiến lược, ưu
tiên và kế hoạch công tác về SDG. Điều này nhằm đảm bảo ACSS sẽ luôn nắm bắt và
tìm hiểu nhu cầu số liệu thống kê của các các cơ quan liên quan, đặc biệt là
các cơ quan, ban ngành của ASEAN.
Buổi
lễ đã dành 20 phút để thảo luận về các chỉ tiêu SDG với sự tham gia của Chủ tịch
WGSDGI, ASEANstats và chuyên gia của dự án ARISEplus.
Để
bảo đảm công tác giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN
đến năm 2030, Việt Nam đề xuất một số nội dung: (1) duy trì và phát huy tính chủ
động của WGSDGI; (2) các quốc gia thành viên thường xuyên cập nhật số liệu các
chỉ tiêu SDG; (3) huy động và tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc
tế, các đối tác phát triển, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và
toàn xã hội trong việc giám sát và đánh giá SDG.