CÙNG NHAU GẮN KẾT NÂNG CAO NĂNG LỰC HỆ THỐNG THỐNG KÊ CỘNG ĐỒNG ASEAN ĐỂ ĐÁP ỨNG TỐT HƠN NHU CẦU DỮ LIỆU NGÀY CÀNG TĂNG                                                                                                                                                                           KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP HỆ THỐNG THỐNG KÊ CỘNG ĐỒNG ASEAN

Chiến lược thành lập Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2011-2015

Chiến lược thành lập Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi tắt là Chiến lược phát triển thống kê ASEAN) nhằm tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của Thống kê ASEAN. Dự thảo Chiến lược được trình bày lần đầu tiên tại Hội nghị nội bộ Thủ trưởng các Cơ quan Thống kê ASEAN (AHSOM) tại Hà Nội, Việt Nam ngày 08 tháng 12 năm 2010. Hội nghị đã nêu lên các vấn đề mấu chốt cần được xem xét trong suốt thời gian hoàn thiện Chiến lược, bao gồm kênh báo cáo của Ủy ban ACSS, mối quan hệ và vai trò của các cơ quan ASEAN có liên quan, nhu cầu hỗ trợ cụ thể từ Hệ thống thống kê các quốc gia thành viên ASEAN và từ các Lãnh đạo cấp cao của Ban Thư ký ASEAN. Hội nghị nhất trí với đề cương dự kiến bao gồm ba nội dung chính cần thực hiện, yêu cầu Nhóm chuyên trách xây dựng Chiến lược tiếp tục xây dựng Kế hoạch chi tiết để AHSOM thông qua. Hội nghị cũng thông qua tiến độ hoàn thành Chiến lược trước giữa năm 2011. Nhóm chuyên trách đã hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011 - 2015, cũng như xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị.

MỤC ĐÍCH CỦA CHIẾN LƯỢC

Mục đích của Chiến lược là tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của Thống kê ASEAN, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin về tình hình kinh tế, xã hội, sinh thái và an ninh trong khu vực. Bền vững cũng có nghĩa là số liệu phải có chất lượng cao. Như vậy, số liệu cần kịp thời, phù hợp, đáng tin cậy, dễ tiếp cận và đảm bảo tính so sánh. Cần tăng cường tuân thủ và áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn, hướng dẫn thống kê được quốc tế khuyến nghị như được quy định trong AFCS.

TẦM NHÌN CỦA HỆ THỐNG THỐNG KÊ CỘNG ĐỒNG ASEAN NĂM 2015

Tầm nhìn là kim chỉ nam cho sự phát triển, cho biết định hướng phát triển của Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN và những mục tiêu cần đạt được. Đồng thời làm mốc thời gian tham chiếu và tầm nhìn đầu tiên của Hệ thống thống kê vào năm 2015.

Tầm nhìn năm 2015:

Đến năm 2015, Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN sẽ trở thành nhà cung cấp số liệu thống kê tiên tiến và đáng tin cậy nhằm đảm bảo cung cấp số liệu thống kê phù hợp, kịp thời, có thể so sánh để hỗ trợ Cộng đồng ASEAN.

 

SỨ MỆNH CỦA HỆ THỐNG THỐNG KÊ CỘNG ĐỒNG ASEAN

Sứ mệnh cho biết mục đích và đặc tính của Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS).

 

Sứ mệnh:

Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN sẽ cung cấp số liệu thống kê ASEAN phù hợp, kịp thời và có thể so sánh nhằm hỗ trợ việc xây dựng chính sách và ra quyết định dựa vào bằng chứng và nâng cao năng lực thống kê của các quốc gia thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

 

CÁC GIÁ TRỊ VÀ NGUYÊN TẮC

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra và đạt được tầm nhìn, cần xây dựng quan điểm xây dựng Chiến lược. Các quan điểm này còn được gọi là các giá trị. Những giá trị này được thể hiện theo các đặc điểm sau:

 

Tính chuyên nghiệp

Tính liêm chính

Làm việc theo nhóm

Hiệu quả chi phí

Tính phù hợp

Tiên tiến

Khả năng giải trình

Cam kết chất lượng

 

Các giá trị này tương tự như Các nguyên tắc cơ bản của Thống kê nhà nước được Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc thông qua năm 1994.

LĨNH VỰC ƯU TIÊN

Chiến lược sẽ tập trung vào công tác sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN như: các chỉ tiêu thống kê trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN, kể cả các cơ chế được xác định trong AFCS.

CÁC NỘI DUNG CỦA CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

Các nội dung chính của Chiến lược sẽ là định hướng cho công tác sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN, xác định các lĩnh vực chính và mục tiêu của các hoạt động cho một thời kỳ không quá 5 năm. Ủy ban ACSS quyết định, giám sát việc thực hiện các nội dung này.

Các nội dung của Chiến lược đưa ra các ưu tiên có liên quan đến nhu cầu thông tin phục vụ việc thực hiện và giám sát các hoạt động của Cộng đồng ASEAN. Những hoạt động/lĩnh vực ưu tiên này sẽ được xem xét trong mối tương quan chặt chẽ với nguồn lực hiện có của khu vực và từng quốc gia để cung cấp các số liệu thống kê cần thiết, cũng như trong mối tương quan về gánh nặng cung cấp thông tin và các chi phí có liên quan đến người trả lời.

Tăng cường thể chế

- Thành lập Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN để sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN.

- Ủy ban ACSS là cơ quan hoạch định chính sách và điều phối cao nhất trong khu vực về thống kê.

- Ủy ban ACSS sẽ phát triển thành một cơ quan khu vực cấp cao quan trọng nhất về thống kê, hoạt động dựa trên các quy trình của AHSOM trước đây. Nhiệm vụ chính của Ủy ban ACSS là điều phối các nỗ lực trong khu vực nhằm tăng cường hơn nữa tính so sánh của số liệu thống kê, thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn/chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực thống kê, xây dựng nguồn nhân lực, điều phối việc thu thập số liệu thống kê trong khu vực để phục vụ tốt cho Cộng đồng ASEAN. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban ACSS đang được xây dựng.

- Từ năm 2011, xây dựng các cơ chế nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban ACSS và Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN trên cơ sở kế thừa các cơ chế hiện có, các Nhóm công tác, các Nhóm chuyên trách do AHSOM thành lập trước đây. Các cơ chế có thể gồm: (1) Các cơ chế tăng cường hơn nữa công tác điều phối giữa các cơ quan ở cả cấp quốc gia và cấp khu vực; (2) Các cơ chế thúc đẩy đối thoại giữa người sản xuất và sử dụng số liệu thống kê; (3) Các cơ chế hỗ trợ tiến trình ra quyết định của Ủy ban ACSS; và (4) Các cơ chế tổ chức các cuộc họp của ACSS và các cơ chế khác.

- Xây dựng các hệ thống giám sát khác nhau để giám sát việc thành lập Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN. Tiến trình cần được thực hiện theo từng bước gồm hai loại giám sát sau: (1) Giám sát kết quả thực hiện và/hoặc việc tuân thủ tương tự như thẻ tính điểm đã được dùng trong trụ cột về kinh tế; và (2) Giám sát chất lượng. Có thể cân nhắc sử dụng công cụ Chỉ tiêu đo lường hiệu quả hoạt động (KPI) để giám sát.

Nên xây dựng các công cụ giám sát theo 2 chiều: (1) Đánh giá việc thực hiện các hoạt động và tiến độ thực hiện ở cấp quốc gia; và (2) Đánh giá tiến độ/việc thực hiện các hoạt động ở cấp khu vực.

Cập nhật định kỳ Báo cáo tóm tắt ASEAN và Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN là các ví dụ về giám sát cấp khu vực.

Tăng cường Thống kê ASEAN

- Tiếp tục ưu tiên phát triển và hài hòa hóa 4 lĩnh vực thống kê: Tài khoản quốc gia, Thương mại hàng hóa quốc tế (IMTS), các cấu phần có liên quan của Thương mại dịch vụ quốc tế (SITS), Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDIS).

- Mở rộng phạm vi thống kê khu vực ASEAN nhằm đáp ứng các nhu cầu của Cộng đồng ASEAN trong 3 trụ cột chính như đề ra trong Khung mở rộng đảm bảo phát triển bền vững cho Thống kê ASEAN.

- Xây dựng một bộ chỉ tiêu mới phục vụ công tác giám sát quá trình phát triển của Cộng đồng ASEAN theo 3 trụ cột chính.

- Xây dựng và biên soạn siêu dữ liệu/dữ liệu đặc tả; Xây dựng cơ sở dữ liệu đặc tả.

- Quản lý cơ sở dữ liệu tích hợp thống kê ASEAN; Xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ số liệu và các chỉ tiêu thống kê khác nhau; Hoàn thành phần chạy nền cho cơ sở dữ liệu tích hợp để hỗ trợ cập nhật số liệu thống kê hàng tháng trên trang chủ ASEANstats; Cài đặt chương trình máy tính chuyển giao số liệu như: Eurotrace và REXDBS.

- Tăng cường phổ biến số liệu thống kê thông qua trang web và các hình thức khác.

- Xây dựng báo cáo thống kê phục vụ các lãnh đạo cấp cao của ASEAN, trong đó có các chỉ tiêu cảnh báo sớm.

- Xây dựng chính sách và khuôn khổ để thúc đẩy phổ biến và truyền thông số liệu thống kê.

Thu hẹp khoảng cách phát triển

- Tích cực phối hợp/điều phối cũng như cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên ASEAN hiện đang phụ thuộc vào sự hỗ trợ bên ngoài trên một số lĩnh vực thống kê chủ yếu.

- Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều cần hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau. Các lĩnh vực mà các quốc gia thành viên ASEAN cần hỗ trợ trong việc nâng cao năng lực phải là những lĩnh vực nằm trong Khung mở rộng đảm bảo phát triển bền vững cho Thống kê ASEAN. Cần xác định chênh lệch trình độ giữa các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực để có hỗ trợ thích hợp.