CÙNG NHAU GẮN KẾT NÂNG CAO NĂNG LỰC HỆ THỐNG THỐNG KÊ CỘNG ĐỒNG ASEAN ĐỂ ĐÁP ỨNG TỐT HƠN NHU CẦU DỮ LIỆU NGÀY CÀNG TĂNG                                                                                                                                                                           KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP HỆ THỐNG THỐNG KÊ CỘNG ĐỒNG ASEAN

Khung hợp tác thống kê ASEAN

MỤC TIÊU

Mục tiêu tổng thể của Khung hợp tác thống kê ASEAN nhằm tăng cường tổ chức và năng lực thống kê của ASEAN để sản xuất số liệu thống kê kịp thời và có tính so sánh, hỗ trợ Cộng đồng ASEAN giám sát tiến trình hội nhập, hướng tới việc thành lập Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS) vào năm 2015.

Khung hợp tác thống kê ASEAN đề ra các mục tiêu cụ thể sau:

- Thiết lập khung thể chế phù hợp và mang tính bắt buộc đối với thống kê ASEAN trong các lĩnh vực thống kê chủ yếu nhằm tăng cường hợp tác thống kê giữa các Hệ thống thống kê quốc gia với Ban Thư ký ASEAN;

- Tăng cường công tác lập kế hoạch, quản trị và giám sát quá trình phát triển của Thống kê ASEAN dựa trên cơ sở quy trình đã được AHSOM xây dựng và các Chiến lược phát triển thống kê quốc gia;

- Tăng cường năng lực cho các Hệ thống thống kê quốc gia và Ban Thư ký ASEAN thông qua tăng cường hợp tác kỹ thuật, xây dựng năng lực và thực hiện cơ chế ASEAN giúp ASEAN nhằm sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN;

- Tăng cường khả năng so sánh của số liệu thống kê ASEAN thông qua việc áp dụng các định nghĩa, bảng phân loại đã được hài hòa và các phương pháp luận phù hợp với các tiêu chuẩn, hướng dẫn, khuyến nghị quốc tế;

- Hỗ trợ các cơ quan cấp khu vực ASEAN và cấp quốc gia lập kế hoạch và chính sách thông qua việc cung cấp số liệu thống kê ASEAN kịp thời và có tính so sánh;

- Tăng cường đối thoại giữa những người sản xuất số liệu thống kê ASEAN với người dùng tin nhằm xác định các ưu tiên thống kê và thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi số liệu thống kê;

- Vận động sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ từ các nhà lập chính sách ASEAN và chính phủ các quốc gia thành viên nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án và hoạt động thống kê;

- Tạo niềm tin cho người dùng tin, nâng cao trách nhiệm giải trình và áp dụng các tiêu chuẩn thống kê bằng cách xây dựng các Nguyên tắc hoạt động thống kê của ASEAN làm kim chỉ nam cho việc sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê phù hợp với các Nguyên tắc cơ bản của thống kê nhà nước của Liên hợp quốc; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, hoạt động thực tiễn giữa các Hệ thống thống kê quốc gia;

- Tăng cường vị thế của ACSS trên trường quốc tế.

HỆ THỐNG THỐNG KÊ CỘNG ĐỒNG ASEAN (ACSS)

ACSS là “quan hệ đối tác trong nội bộ các Hệ thống thống kê quốc gia của các quốc gia thành viên ASEAN, và giữa các Hệ thống thống kê quốc gia của các quốc gia thành viên ASEAN với các Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN và Ban Thư ký ASEAN”. Là một phần không thể tách rời của Cộng đồng ASEAN, ACSS sẽ bao gồm:

 - Ủy ban ACSS là cơ quan ra quyết định và điều phối khu vực cao nhất về thống kê ASEAN;

- Hệ thống thống kê quốc gia của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó Cơ quan thống kê quốc gia là đầu mối quốc gia về thống kê ASEAN;

- Ban Thư ký ASEAN (thông qua ASEANstats) là đầu mối khu vực, bộ phận hỗ trợ kỹ thuật và giúp việc của Ủy ban ACSS;

 - Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN là đối tượng dùng tin chính.  

VAI TRÒ VÀ LIÊN KẾT THỂ CHẾ

Ủy ban ACSS

Ủy ban ACSS gồm Thủ trưởng hoặc người đứng đầu Cơ quan Thống kê quốc gia của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN và người đứng đầu ASEANstats của Ban Thư ký ASEAN.

Chức năng chính của Ủy ban là đảm bảo cung cấp số liệu thống kê ASEAN kịp thời và có tính so sánh thông qua các chính sách và tiêu chuẩn thống kê của khu vực, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thống kê ở cấp quốc gia, thúc đẩy quá trình xây dựng năng lực thể chế và nguồn nhân lực.

Ủy ban ACSS thiết lập các cơ chế phù hợp nhằm điều phối hợp tác kỹ thuật giữa các cơ quan sản xuất số liệu quốc gia trong khu vực trên các lĩnh vực thống kê chủ yếu.

Ủy ban ACSS sẽ báo cáo với các Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN về tiến độ và các vấn đề nảy sinh trong hợp tác thống kê có thể liên quan tới việc cung cấp số liệu thống kê cho các cơ quan khác của ASEAN để được trợ giúp của các Hội đồng, cũng như sẽ tổ chức hội nghị người dùng tin định kỳ nhằm tham vấn với các cơ quan ASEAN có liên quan trong các trụ cột APSC, AEC và ASCC để làm rõ và/hoặc giải quyết các vấn đề liên quan tới nhu cầu số liệu thống kê.

Hoạt động của ACSS sẽ tập trung vào đáp ứng các chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN (ASI).

AHSOM sẽ được cơ cấu thành Ủy ban ACSS vào năm 2011.

Cơ quan thống kê quốc gia

Cơ quan thống kê quốc gia đóng vai trò điều phối việc sản xuất và hài hòa số liệu thống kê do Hệ thống thống kê quốc gia sản xuất (trong đó có số liệu thống kê của Bộ, ngành) theo yêu cầu của ASEAN. 

Cơ quan thống kê quốc gia sẽ điều phối việc cung cấp số liệu thống kê ASEAN cho các bên liên quan của ASEAN thông qua ASEANstats và đóng vai trò đầu mối quốc gia trong hợp tác khu vực về thống kê.

Ban Thư ký ASEAN (ASEANstats)

Xây dựng, chủ trì thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách, phương pháp luận, các tiêu chuẩn thống kê phục vụ cho việc hài hòa hóa số liệu thống kê ASEAN.

ASEANstats hoạt động với tư cách là bộ phận hỗ trợ kỹ thuật và giúp việc của Ủy ban ACSS.

Hỗ trợ hệ thống thống kê các quốc gia thành viên thực hiện các chính sách và tiêu chuẩn của thống kê ASEAN.

Là cầu nối giữa Ủy ban ACSS và các Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN, hỗ trợ thiết lập quan hệ với các đối tác khác nhau, bao gồm các tổ chức trên toàn cầu và khu vực.

Chịu trách nhiệm biên soạn số liệu thống kê ASEAN, quản lý cơ sở dữ liệu thống kê ASEAN, phát triển các sản phẩm và dịch vụ thống kê ASEAN để phổ biến và truyền thông. 

Các Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN

Các Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN đề xuất nhu cầu số liệu và định hướng chiến lược cho sự phát triển của thống kê Cộng đồng ASEAN. 

PHẠM VI HỢP TÁC

Khung hợp tác thống kê ASEAN tập trung vào các nội dung có liên quan đến sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN (sau đây gọi tắt là các chỉ tiêu và số liệu thống kê trong ASI), bao gồm cả các cơ chế được quy định trong Khung mở rộng đảm bảo phát triển bền vững cho Thống kê ASEAN.

Số liệu thống kê ASEAN bao gồm số liệu thống kê do Hệ thống thống kê quốc gia sản xuất (trong đó có số liệu thống kê của Bộ, ngành).

ASI gồm các nhóm chỉ tiêu thống kê và các chỉ tiêu/số liệu thống kê nhằm đáp ứng nhu cầu đề ra tại các Kế hoạch tổng thể của APSC, AEC và ASCC.

CÁC LĨNH VỰC HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC

Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, thông qua các Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN, Ủy ban AHSOM/ACSS và ASEANstats sẽ phấn đấu đạt được các mục tiêu nêu trên thông qua các hoạt động cụ thể sau:

Củng cố tổ chức nhằm tạo điều kiện để ACSS hoạt động hiệu quả

- Việc hình thành ACSS phụ thuộc vào sự trao quyền rõ ràng và mạnh mẽ nhằm giúp ACSS xác định được cơ cấu tổ chức, các mối quan hệ và xây dựng các hệ thống hoạt động.

- Ủy ban AHSOM/ACSS chỉ đạo quá trình tham vấn với các cơ quan thuộc ASEAN nhằm xây dựng các chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu phù hợp cho ACSS dựa trên các quy định của Hiến chương ASEAN đối với lĩnh vực thống kê.

- Các Cơ quan thống kê quốc gia có trách nhiệm đánh giá nhu cầu của các Hệ thống thống kê quốc gia đối với việc hình thành ACSS nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc thiết lập ACSS. Cơ quan thống kê quốc gia có trách nhiệm tham vấn với các cơ quan quốc gia có liên quan.

- Ở cấp khu vực, ASEANstats nghiên cứu và tham vấn với các Hội đồng thuộc Cộng đồng ASEAN về các yêu cầu, quy trình cần thiết để xây dựng một tổ chức thống kê cho khu vực. 

Xây dựng Chiến lược phát triển thống kê và giám sát việc thực hiện

- Chiến lược phát triển thống kê trung hạn cần đề cập đến các nội dung sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN, bao gồm cả các bước cần thực hiện để thành lập ACSS.  

- Để thành lập ACSS vào năm 2015, Chiến lược cần xác định sứ mệnh, các giá trị và nguyên tắc cốt lõi, các mục tiêu của ACSS, phạm vi hoạt động, xác định các nội dung, chương trình và các kết quả đầu ra. Chiến lược cũng cần xác định các cơ chế hoạt động phù hợp.

- Tăng cường hoạt động điều phối và truyền thông giữa các bên có liên quan để tìm cách lồng ghép các ưu tiên thống kê của Cộng đồng ASEAN vào các Chiến lược phát triển thống kê quốc gia, đồng thời huy động hỗ trợ cho các quốc gia thành viên ASEAN.

- Giám sát và đánh giá tiến độ thực hiện Chiến lược định kỳ để đạt được các mục tiêu trung hạn.

Hợp tác kỹ thuật về phát triển và hài hòa hóa thống kê ASEAN

- Tiếp tục duy trì hợp tác kỹ thuật trong phát triển và hài hòa số liệu của một số lĩnh vực thống kê. Có thể xây dựng hợp tác khu vực về các lĩnh vực thống kê ưu tiên khác nếu thấy cần thiết. Tất cả các hoạt động hợp tác phải phù hợp với các Nguyên tắc hoạt động của ACSS và phù hợp với các mục tiêu phát triển thống kê dài hạn.

- Mở rộng việc chia sẻ dữ liệu, sử dụng tiêu chuẩn và thời gian tham chiếu chung để xây dựng một cơ sở dữ liệu toàn diện về thống kê ASEAN nhằm tạo điều kiện cho việc phổ biến và truyền thông số liệu thống kê giữa các bên có liên quan. Xây dựng và thực hiện các hướng dẫn hài hòa hóa, chính sách phổ biến và truyền thông số liệu, cơ chế chia sẻ và trao đổi số liệu phù hợp quy định của Hiến chương ASEAN.

- Thúc đẩy các quốc gia thành viên ASEAN tuân thủ và áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn và hướng dẫn thống kê quốc tế nhằm tăng cường tính so sánh của số liệu thống kê ASEAN.

Xây dựng thể chế, tăng cường cơ sở hạ tầng thống kê và phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng thể chế, bao gồm cả quy chế phối hợp giữa người sản xuất, sử dụng và cung cấp thông tin. Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong sản xuất các số liệu thống kê chủ yếu.

- Tăng cường cơ sở hạ tầng thống kê chủ yếu, như đăng ký kinh doanh (thống kê kinh tế), tư liệu hóa phương pháp luận và hệ thống dữ liệu đặc tả, các khung đánh giá chất lượng số liệu thông qua chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ.

- Ngoài tăng cường năng lực và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, cần thực hiện các hoạt động đào tạo về quản lý và điều phối thống kê, đào tạo về các bảng phân loại và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê.

Tham vấn các bên hữu quan

- Việc tham vấn các bên liên quan có vai trò quan trọng nhằm đảm bảo tính phù hợp và hiệu quả hoạt động của ACSS, cho phép ACSS đưa ra định hướng phát triển bền vững.

- Tăng cường truyền thông và tương tác giữa ACSS với các đối tượng dùng tin chính ở cấp khu vực và quốc gia nhằm xác định các ưu tiên thống kê của khu vực, thúc đẩy sử dụng số liệu thống kê trong quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định và giám sát tiến độ hội nhập của Cộng đồng ASEAN.