Từ khi được thành lập (năm 2011) đến nay, Ủy ban ACSS đã
tổ chức 9 kỳ họp của Ủy ban. Cụ thể:
- Kỳ họp thứ nhất tổ chức tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a,
từ ngày 2 - 3 tháng 11 năm 2011;
- Kỳ họp thứ hai diễn ra tại Siêm Riệp, Cam-pu-chia, từ
ngày 27 - 28 tháng 9 năm 2012;
- Kỳ họp thứ 3 tại Ban-đa Xê-ri Bơ-ga-oan, Bru-nây
Đa-ru-xa-lam, từ ngày 10 - 12 tháng 9 năm 2013;
- Kỳ họp thứ 4 tại Nay Pyi Taw,
Mi-an-ma, từ ngày 14 - 16 tháng 10 năm 2014;
- Kỳ họp thứ 5 tại Putrajaya,
Ma-lay-xi-a, từ ngày 3 - 5 tháng 11 năm 2015;
- Kỳ họp thứ 6 tại Viêng-chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân
Lào, từ ngày 1 - 3 tháng 11 năm 2016;
- Kỳ họp thứ 7 tại Ma-ni-la, Cộng hòa Phi-li-pin, từ ngày
11 - 13 tháng 10 năm 2017.
- Kỳ họp thứ 8 tại Xin-ga-po, từ ngày 9 – 11 tháng 10 năm
2018.
- Kỳ họp thứ 9 tại Băng Cốc, Thái Lan, từ ngày 9 – 11
tháng 10 năm 2019.
Năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế
ASEAN lần thứ 43 đã thông qua chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban ACSS
(thay cho AHSOM trước đây).
Về chức năng
Ủy ban Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (Ủy ban ACSS) là
cơ quan hoạch định chính sách và điều phối cao nhất về thống kê của ASEAN, có
trách nhiệm tăng cường hợp tác thống kê khu vực nhằm hỗ trợ tiến trình hội nhập
và phát triển của Cộng đồng ASEAN, đồng thời đưa ra các định hướng về sản xuất,
phổ biến và truyền thông số liệu thống kê của ASEAN. Ủy ban ACSS có sáu chức
năng chính như sau:
- Đảm bảo cung cấp số liệu thống kê ASEAN kịp thời và có
tính so sánh thông qua các chính sách và tiêu chuẩn thống kê của khu vực;
- Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thống kê ở cấp quốc
gia, thúc đẩy quá trình xây dựng năng lực thể chế và nguồn nhân lực;
- Xây dựng hệ thống thống kê hoạt động có hiệu quả thông
qua thiết lập các cơ chế phù hợp nhằm điều phối quá trình phát triển thống kê;
- Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho hoạt động thống kê,
hướng tới tăng cường và hài hòa hóa số liệu thống kê ASEAN;
- Giám sát, đánh giá tiến trình thực hiện các chính sách,
kế hoạch và chương trình thống kê trong nội khối ASEAN;
- Thiết lập và tăng cường mối liên kết thể chế với các cơ
quan thống kê quốc tế để tăng cường hơn nữa chương trình nghị sự phát triển thống
kê của ACSS.
Ủy ban ACSS quyết định các vấn đề chủ yếu sau:
- Sự phát triển và các hoạt động cần được ưu tiên trong
Chiến lược phát triển thống kê ASEAN;
- Kế hoạch công tác hàng năm của Hệ
thống Thống kê Cộng đồng ASEAN;
- Các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin thống kê;
- Các biện pháp mà các cơ quan/Nhóm công tác ASEAN thuộc
3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN và Ban Thư ký ASEAN (ASEANstats) cần áp dụng
trong việc sản xuất, phổ biến và truyền thông số liệu thống kê ASEAN, các điều
chỉnh dựa trên nguyên tắc hiệu quả chi phí, cách thức và thời gian hoàn thành
các biện pháp nói trên;
- Những vấn đề khác, đặc biệt là vấn đề về phương pháp luận
phát sinh từ việc hình thành hoặc thực hiện các chương trình thống kê do Chủ tịch
các Nhóm công tác đề xuất hoặc theo yêu cầu của các quốc gia thành viên.
Về cơ cấu tổ chức
Ủy ban ACSS gồm Thủ trưởng Cơ quan thống kê quốc gia của
tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Mỗi thành viên sẽ đại diện cho Hệ thống
thống kê của quốc gia mình trong các cuộc họp của Ủy ban. Người đứng đầu của
ASEANstats cũng là một thành viên của Ủy ban.
Hàng năm, Ủy ban ACSS sẽ được chủ trì bởi Thủ trưởng Cơ
quan thống kê quốc gia của một quốc gia thành viên ASEAN trên nguyên tắc luân phiên,
họp mặt mỗi năm một lần. Nếu có những vấn đề khẩn cấp cần thảo luận, có thể triệu
tập một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban.
Ủy ban ACSS thành lập ‘Ban Điều hành’, gồm Chủ tịch đương
nhiệm, Chủ tịch tiền nhiệm và Chủ tịch kế nhiệm của 3 quốc gia thành viên
ASEAN.
Ủy ban ACSS sẽ thành lập các Nhóm công tác và Nhóm chuyên
trách khi cần.
Chức năng, nhiệm vụ
và quyền hạn của Tiểu ban Kế hoạch và Điều phối (SCPC) được thông qua tại kỳ họp
lần thứ nhất của Ủy ban ACSS từ ngày 2 - 3 tháng 11 năm 2011.
SCPC có nhiệm vụ hỗ trợ quá trình ra quyết định của Ủy
ban ACSS, làm đầu mối của cơ quan thống kê quốc gia về các vấn đề liên quan tới
ACSS và Ủy ban ACSS. Tiểu ban này thay thế Nhóm chuyên trách về
xây dựng Chiến lược phát triển thống kê ASEAN, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Thủ
trưởng cơ quan thống kê quốc gia và là cầu nối giữa Ủy ban ACSS với các Hệ thống
thống kê quốc gia.
SCPC bao gồm các cán bộ có thâm niên từ cấp Vụ trở lên,
thường xuyên làm việc với quản lý cấp cao, có quan hệ rộng và nhiều năm kinh
nghiệm trong điều phối và truyền thông với các cơ quan sản xuất số liệu khác ở
cấp quốc gia. Thành viên của SCPC do Thủ trưởng Cơ quan thống kê quốc gia của
các quốc gia thành viên ASEAN tiến cử. Chủ tịch của SCPC là đại diện của quốc
gia thành viên ASEAN đang làm Chủ tịch Ủy ban ACSS. Hai Phó Chủ tịch là đại diện
của các quốc gia chủ trì tiền nhiệm và kế nhiệm.
SCPC sẽ họp định kỳ mỗi năm 2 lần. ASEANstats thực hiện nhiệm
vụ thư ký cho SCPC.
Nhóm công tác về Chia sẻ, phân tích, phổ biến và truyền
thông số liệu thống kê (Nhóm WGDSA) do Ủy ban ACSS thành lập và chịu trách nhiệm
báo cáo trước Ủy ban.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Nhóm WGDSA đã được Ủy
ban ACSS thông qua tại kỳ họp lần thứ 2 tại Siêm Riệp, Cam-pu-chia, từ ngày 27
- 28 tháng 10 năm 2012.
Nhóm WGDSA được thành lập nhằm mục đích:
- Xây dựng một hệ thống chia sẻ, phổ biến và truyền thông
định kỳ các thông tin thống kê phù hợp với mục tiêu của Cộng đồng ASEAN, gồm phổ
biến và truyền thông thông tin thống kê nhằm nâng cao tính minh bạch và sử dụng
rộng rãi số liệu thống kê trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách;
- Nâng cao năng lực phân tích, phổ biến và truyền thông số
liệu thống kê nhằm hỗ trợ việc thực hiện, giám sát và đánh giá các chương
trình, chính sách cũng như giúp cải thiện khả năng giải trình trong ASEAN.
Nhóm WGDSA chịu trách nhiệm:
- Xây dựng mô hình phổ biến và truyền thông số liệu thống
kê phù hợp với Khung hợp tác thống kê ASEAN;
- Xây dựng các chính sách, hướng dẫn và quy trình chia sẻ,
phổ biến, truyền thông dữ liệu;
- Điều phối chung công tác cung cấp dữ liệu để cập nhật
cơ sở dữ liệu thống kê và số liệu phục vụ xây dựng các ấn phẩm thống kê ASEAN;
- Cung cấp số liệu và tư vấn cho ASEANstats xây dựng các
chỉ tiêu ASI và các sản phẩm thống kê quan trọng;
- Phát triển các sản phẩm để phổ biến và truyền thông số
liệu thống kê;
- Thiết kế và hỗ trợ thực hiện các chương trình xây dựng
năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn số liệu tại các quốc gia
thành viên và Ban Thư ký ASEAN;
- Thúc đẩy, điều phối và giám sát thực hiện các chính
sách và hướng dẫn trên.
Nhóm WGDSA sẽ báo cáo định kỳ lên Ủy ban ACSS về tiến độ
thực hiện các chương trình, đề án. Ủy ban ACSS sẽ quyết định các chính sách, hướng
dẫn mà Nhóm WGDSA đề xuất.
Nhóm công tác về Thống kê vốn đầu tư quốc tế (Nhóm WGIIS)
là bộ phận kĩ thuật của Ủy ban ACSS về thống kê vốn đầu tư quốc tế. Nhóm WGIIS
được thành lập nhằm xây dựng, biên soạn, phổ biến và báo cáo về số liệu thống
kê vốn đầu tư quốc tế của các quốc gia thành viên ASEAN giúp xây dựng, thực hiện
và giám sát các chương trình, chính sách đầu tư của Cộng đồng ASEAN.
Nhóm WGIIS chịu trách nhiệm:
- Xây dựng Kế hoạch hành động; biên soạn, phổ biến và báo
cáo kịp thời, chính xác các số liệu thống kê vốn đầu tư quốc tế của Cộng đồng
ASEAN phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế;
- Thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng thống kê hoặc các cơ chế
thu thập, biên soạn số liệu thống kê vốn đầu tư quốc tế đảm bảo tính so sánh,
bao gồm nhưng không giới hạn, số liệu thống kê đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDIS) ở các quốc gia thành viên ASEAN;
- Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, phương pháp luận và
thông lệ quốc tế khi biên soạn số liệu thống kê vốn đầu tư quốc tế. Cụ thể,
tuân thủ các khái niệm và phạm vi biên soạn FDIS theo định nghĩa chuẩn của Tổ
chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Cẩm nang Vị thế đầu tư quốc tế và
Cán cân thanh toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF);
- Đề xuất các chính sách thống kê, hướng dẫn cách sử dụng
các công cụ, đề xuất giải pháp cho các vấn đề liên quan đến thực hiện phương
pháp luận hoặc cách thức thu thập dữ liệu, phương pháp ước tính, truyền đưa, sản
xuất và phổ biến số liệu;
- Thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN nhằm
thu hẹp và xóa bỏ sự khác biệt về số liệu thống kê vốn đầu tư quốc tế của các
quốc gia thành viên;
- Khuyến nghị lên Ủy ban ACSS các giải pháp liên quan đến
biên soạn và phổ biến số liệu thống kê vốn đầu tư quốc tế của khu vực;
- Hợp tác, tham vấn với các cơ quan có liên quan trong
khu vực, các tổ chức quốc tế để thực hiện các hoạt động liên quan đến vốn đầu
tư, đồng thời đảm bảo tránh trùng lặp khi triển khai thực hiện, tối đa hóa các
nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra.
Tại kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban ACSS ở Siêm Riệp,
Cam-pu-chia, từ ngày 27 - 28 tháng 9 năm 2012, Ủy ban đã thống nhất đổi tên
Nhóm đặc trách về Thống kê thương mại hàng hóa quốc tế (TFIMTS) thành Nhóm công
tác về Thống kê thương mại hàng hóa quốc tế (Nhóm WGIMTS) nhằm tăng cường vai
trò của Nhóm trong quá trình ra quyết định của Ủy ban ACSS.
Mục tiêu chính của Nhóm WGIMTS nhằm tạo điều kiện phát
triển và hài hòa hóa số liệu thống kê thương mại hàng hóa quốc tế (IMTS), tăng
tính kịp thời và hiệu quả của việc chia sẻ, phổ biến số liệu IMTS cũng như đáp ứng
tốt hơn các yêu cầu thông tin hỗ trợ hội nhập kinh tế và phát triển như đã được
nêu trong Kế hoạch tổng thể của trụ cột AEC.
Nhiệm vụ của Nhóm WGIMTS gồm:
- Xác định, đề xuất các khung tham chiếu chung dựa trên
những tiêu chuẩn quốc tế về biên soạn và báo cáo số liệu IMTS, đảm bảo tính kịp
thời và khả năng so sánh của số liệu để trình cấp có thẩm quyền thông qua và
triển khai thực hiện; Xây dựng các cơ chế cải thiện công tác thu thập, sản xuất
và phổ biến số liệu IMTS;
- Thực hiện đánh giá toàn diện, định kỳ số liệu và dữ liệu
đặc tả theo các đặc điểm kỹ thuật, phương pháp luận, chất lượng và tính kịp thời
đã được thống nhất khi cung cấp số liệu thương mại quốc gia và các dữ liệu liên
quan cho Ban Thư ký ASEAN; Đề xuất các biện pháp xử lý sự khác biệt trong số liệu
giữa các quốc gia và tình trạng thiếu số liệu thống kê;
- Xác định các thay đổi về thủ tục và chính sách cũng như
những tiến bộ mới về thống kê có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất số liệu IMTS,
thí dụ như các thông lệ/thủ tục hải quan quốc gia, các thỏa thuận kinh tế khu vực,
những thay đổi trong khuôn khổ quốc tế và khu vực, các tiêu chuẩn và hệ thống
phân loại giữa các quốc gia; Đề xuất phương pháp điều chỉnh phù hợp;
- Triển khai đánh giá thực hiện kế hoạch công tác hàng
năm, các cơ chế hài hòa và hoàn thiện số liệu IMTS ở cấp quốc gia và khu vực;
- Đệ trình các vấn đề và khuyến nghị lên Ủy ban ACSS để Ủy
ban trình Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) và các cơ quan ASEAN liên quan
khác thông qua Hội nghị Các quan chức kinh tế cấp cao;
- Xây dựng kế hoạch công tác hàng năm bao gồm chương
trình xây dựng năng lực để hỗ trợ hài hòa hóa và phát triển số liệu IMTS.
Nhóm WGIMTS họp ít nhất mỗi năm một lần. Ở cấp quốc gia,
các thành viên Nhóm WGIMTS chủ trì thực hiện các khuyến nghị, cơ chế, hoạt động
cũng như cập nhật tiến độ của Nhóm cho đầu mối quốc gia ACSS/SCPC.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Nhóm chuyên trách về
Thống kê thương mại dịch vụ quốc tế (TFSITS) được thông qua ngày 26 - 27 tháng
1 năm 2010 tại cuộc họp Thủ trưởng các cơ quan thống kê ASEAN lần thứ 10 ở Chiềng-mai,
Thái Lan.
Tại kỳ họp lần thứ 2 của Tiểu ban Kế hoạch và Điều phối
diễn ra vào tháng 7 năm 2012, Nhóm chuyên trách TFSITS được đề xuất đổi thành
Nhóm công tác về Thống kê thương mại dịch vụ quốc tế (Nhóm WGSITS) nhằm thể hiện
tính thường trực của Nhóm trong khuôn khổ ra quyết định của Ủy ban ACSS.
Mục tiêu chung của Nhóm WGSITS nhằm thúc đẩy sự phát triển
và hài hòa hóa số liệu thống kê thương mại dịch vụ quốc tế (SITS) để hỗ trợ
ASEAN giám sát lưu lượng dịch vụ tự do trong nội bộ Cộng đồng Kinh tế ASEAN
cũng như giữa ASEAN với nền kinh tế toàn cầu.
Nhiệm vụ của Nhóm WGSITS gồm:
- Xây dựng, đề xuất áp dụng các cơ chế và khung tham chiếu
chung cho việc thu thập, biên soạn, phổ biến số liệu SITS định kỳ, đảm bảo tính
kịp thời, chính xác và khả năng so sánh của số liệu để phục vụ các yêu cầu của
ASEAN;
- Đánh giá định kỳ chất lượng số liệu và dữ liệu đặc tả
quốc gia dựa trên phương pháp đánh giá của các Nguyên tắc hoạt động thống kê của
ASEAN; giám sát tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, phương pháp luận, chất
lượng và tính kịp thời khi cung cấp dữ liệu quốc gia cho Ban Thư ký ASEAN; Đề
xuất các biện pháp xử lý sự khác biệt trong số liệu giữa các quốc gia và tình
trạng thiếu số liệu thống kê;
- Đáp ứng nhu cầu người dùng tin và xác định những tiến bộ
mới về thống kê có thể ảnh hưởng đến sản xuất số liệu SITS, thí dụ như các thỏa
thuận kinh tế khu vực, những thay đổi về khuôn khổ quốc tế và khu vực, các tiêu
chuẩn và hệ thống phân loại giữa các nước; Đề xuất phương pháp điều chỉnh phù hợp;
- Đề xuất, thúc đẩy để thông qua và triển khai thực hiện
các chiến lược, chương trình cải tiến và hài hòa hóa số liệu SITS;
- Đệ trình các vấn đề và khuyến nghị lên SCPC để trình Ủy
ban ACSS thông qua.
Nhóm WGSITS họp ít nhất mỗi năm một lần. Ở cấp quốc gia,
các thành viên Nhóm WGSITS chủ trì thực hiện các khuyến nghị, cơ chế và các hoạt
động cũng như cập nhật tiến độ và những phát triển của Nhóm cho SCPC.
Trong bối cảnh các chỉ tiêu phát triển bền vững (SDGs)
toàn cầu khó có thể áp dụng hoàn toàn ở các nước, trên cơ sở các quốc gia cũng
như khu vực cần xây dựng các chỉ tiêu giám sát khu vực, quốc gia và địa phương,
việc thành lập Nhóm công tác về các Chỉ tiêu SDGs (Nhóm WGSDGI) là hết sức cần
thiết.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Nhóm WGSDGI đã được
thông qua tại kỳ họp lần thứ 6 của Ủy ban ACSS vào tháng 11 năm 2016.
Nhóm WGSDGI được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu giám sát,
đánh giá quá trình thực hiện các chỉ tiêu SDGs ở các quốc gia thành viên và
ASEAN, và đảm bảo sự tham gia của khu vực vào hoạt động giám sát và đánh giá
SDGs toàn cầu.
Nhiệm vụ chính của Nhóm WGSDGI là xây dựng và phổ biến
các chỉ tiêu SDGs của khu vực ASEAN. Để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ này,
Nhóm WGSDGI cần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường
phối hợp, xây dựng năng lực thống kê cũng như phổ biến các chỉ tiêu SDGs.
Nhóm WGSDGI họp ít nhất mỗi năm một lần. Nhóm WGSDGI có
trách nhiệm báo cáo tiến độ xây dựng và phổ biến các chỉ tiêu SDGs lên Ủy ban
ACSS để Ủy ban cập nhật cho các cơ quan ASEAN có liên quan.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Nhóm công tác về Hệ
thống tài khoản quốc gia (Nhóm WGSNA) được Ủy ban ACSS thông qua tại kỳ họp lần
thứ 6, từ ngày 1 - 3 tháng 11 năm 2016.
Nhóm WGSNA được thành lập nhằm thúc đẩy sản xuất và phổ
biến số liệu thống kê tài khoản quốc gia (SNA), hỗ trợ giám sát quá trình phát
triển kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN
nói chung. WGSNA là diễn đàn chính để thảo luận về sự phát triển và hoàn thiện
tài khoản quốc gia của khu vực ASEAN, điều phối quá trình xây dựng năng lực của
khu vực cũng như tư vấn thực hiện các khuyến nghị SNA 2008.
Nhiệm vụ của Nhóm WGSNA như sau:
- Hỗ trợ đánh giá
định kỳ thực hiện SNA 2008;
- Tạo điều kiện áp dụng các khung, khái niệm, sổ tay hướng
dẫn, phương pháp luận, các tiêu chuẩn mới; xác định các vấn đề liên quan đến sản
xuất, phổ biến số liệu thống kê tài khoản quốc gia của các quốc gia thành viên
ASEAN, đề xuất giải pháp;
- Đề xuất các chỉ tiêu kinh tế phục vụ công tác phân tích
so sánh những vấn đề kinh tế trong khu vực và giám sát việc thực hiện Kế hoạch
tổng thể của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025;
- Đánh giá kết quả nghiên cứu cấp khu vực về các vấn đề
liên quan đến tài khoản quốc gia ở các quốc gia thành viên ASEAN;
- Đề xuất giải pháp xây dựng năng lực thể chế, công nghệ
thông tin và nguồn nhân lực để hỗ trợ phát triển thống kê tài khoản quốc gia;
- Đề xuất các tiêu chuẩn, phương pháp và cơ chế phổ biến
dữ liệu thường xuyên ở các quốc gia thành viên ASEAN;
- Rà soát định kỳ, toàn diện dữ liệu và dữ liệu đặc tả nhằm
đảm bảo theo đúng phương pháp luận, đảm bảo chất lượng và tính kịp thời khi
cung cấp số liệu tài khoản quốc gia cho Ban Thư ký ASEAN; đồng thời đề xuất giải
pháp cho việc thiếu số liệu thống kê;
- Đề xuất các khuyến nghị để xây dựng Kế hoạch công tác
hàng năm của Nhóm WGSNA theo Chiến lược phát triển thống kê ASEAN giai đoạn
2016 - 2025.
Nhóm WGSNA họp ít nhất mỗi năm một lần. Nhóm WGSNA hoạt động
trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về SNA, thực hiện các chức năng, hoạt động của
Nhóm dưới sự điều hành của Ủy ban ACSS.